Phân tích đặc trưng cơ bản của nhà nước. Trên cơ sở đó, làm sáng tỏ biểu hiện một đặc trưng của nhà nước Việt Nam hiện nay.

tháng 8 26, 2023


* Các đặc trưng của nhà nước:

- Nhà nước có quyền lực đặc biệt (quyền lực nhà nước)

+ Quyền lực nhà nước là khả năng của nhà nước buộc các tổ chức và cá nhân trong xã hội phải phục tùng ý chí của nó. Khả năng của nhà nước phụ thuộc vào sức mạnh bạo lực, sức mạnh vật chất, uy tín của nhà nước trong xã hội hay khả năng vận động quẩn chúng của nó.

+ Quyền lực nhà nước tồn tại trong mối quan hệ giữa nhà nước với các cá nhân, tổ chức trong xã hội. Trong mối quan hệ này, nhà nước là chủ thể của quyền lực, các cá nhân, tổ chức là đối tượng của quyền lực ấy, họ phải phục tùng ý chí của nhà nước.

+ Quyền lực nhà nước cũng tồn tại trong mối quan hệ giữa nhà nước với các thành viên, các cơ quan của nó, trong đó, thành viên phải phục tùng tổ chức, cấp dưới phải phục tùng cấp trên.

+ Quyền lực nhà nước bao trùm đời sống xã hội, chi phối mọi cá nhân, tổ chức trong xã hội, tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

+ Để thực hiện quyền lực nhà nước, có một lớp người tách ra khỏi hoạt động sản xuất trực tiếp, tổ chức thành các cơ quan khác nhau, mỗi cơ quan chuyên đảm nhiệm những công việc nhất định, hợp thành bộ máy nhà nước từ trung ương xuống địa phương, trong đó có các cơ quan bạo lực, cưỡng chế như quân đội, cảnh sát, tòa án, nhà tù,…

+ Quyền lực và bộ máy chuyên thực thi quyền lực đó trong xã hội chỉ có một mình nhà nước có nên quyền lực nhà nước là đặc biệt. Nhờ có quyền lực và bộ máy chuyên thực thi quyền lực đó mà nhà nước có thể điều hành và quản lý xã hội, thiết lập và gìn giữ trật tự xã hội, phục vụ và bảo vệ lợi ích chung của toàn xã hội cũng như lợi ích của lực lượng cầm quyền.

- Nhà nước thực hiện việc quản lý dân cư theo lãnh thổ

+ Nếu như các tổ chức xã hội khác tập hợp và quản lý dân cư theo quan hệ huyết thống, giới tính, độ tuổi, quan điểm chính trị,… thì nhà nước luôn lấy việc quản lý dân cư theo lãnh thổ làm điểm xuất phát.

+ Người dân không phân biệt huyết thống, dân tộc, giới tính,… cứ sống trên một khu vực lãnh thổ nhất định thì chịu sự quản lý của một nhà nước nhất định; do vậy, họ thực hiện quyền và nghĩa vụ trước nhà nước theo nơi mà họ cư trú.

+ Nhà nước phân chia lãnh thổ thành các đơn vị hành chính – lãnh thổ và quản lý toàn bộ dân cư của mình theo từng đơn vị đó, vì thế, nhà nước là tổ chức có cơ sở xã hội và phạm vi tác động rộng lớn nhất trong quốc gia.

- Nhà nước thực thi chủ quyền quốc gia

+ Chủ quyền quốc gia là khái niệm chỉ quyền quyết định tối cao và độc lập, tự quyết mọi vấn đề đối nội và đối ngoại, không phụ thuộc vào bất kì cá nhân, tổ chức nào trong nước, cũng như các nhà nước khác, các tổ chức quốc tế.

+ Nhà nước có quyền lực bao trùm phạm vi lãnh thổ quốc gia, đứng trên mọi cá nhân, tổ chức trong xã hội, vì vậy nhà nước là tổ chức duy nhất có đủ tư cách và khả năng đại diện chính thức và hợp pháp của quốc gia, thay mặt quốc gia dân tộc thực hiện và bảo vệ chủ quyền quốc gia.

+ Trong xã hội dân chủ, quyền lực tối cao trong xã hội thuộc về nhân dân, nhân dân ủy quyền cho nhà nước thay mặt nhân dân tổ chức thực hiện và bảo vệ chủ quyền quốc gia.

+ Trong quan hệ đối nội, quy định của nhà nước có giá trị bắt buộc phải tôn trọng hoặc thực hiện đối với các tổ chức và cá nhân có liên quan; nhà nước có thể cho phép các tổ chức xã hội khác được thành lập và hoạt động hoặc nhà nước công nhận sự tồn tại hợp pháp của các tổ chức xã hội khác.

+ Trong quan hệ đối ngoại, nhà nước có toàn quyền xác định và thực hiện các đường lối chính sách đối ngoại của mình. Các tổ chức khác chỉ được tham gia vào những quan hệ đối ngoại mà nhà nước cho phép.

- Nhà nước ban hành pháp luật, dùng pháp luật làm công cụ quản lý xã hội

+ Nhà nước là tổ chức đại diện cho xã hội, là tổ chức duy nhất có quyền thay mặt xã hội ban hành pháp luật, hệ thống các quy tắc xử sự chung mang tính bắt buộc đối với mọi cá nhân, tổ chức trong xã hội. Mọi cá nhân, tổ chức trong xã hội có nghĩa vụ tôn trọng và thực hiện pháp luật một cách nghiêm chỉnh.

+ Nhà nước sử dụng pháp luật để tổ chức và quản lý xã hội, điều chỉnh các quan hệ xã hội theo mục đích của nhà nước. Pháp luật là một trong những công cụ quản lý có hiệu quả nhất của nhà nước.

+ Nhà nước bảo đảm cho pháp luật được thực hiện bằng nhiều biện pháp: tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, thuyết phục, tổ chức thực hiện, động viên, khen thưởng, áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhà nước, do đó, pháp luật được triển khai và thực hiện một cách rộng rãi trong toàn xã hội.

- Nhà nước quy định và thực hiện việc thu thuế, phát hành tiền

+ Thuế là khoản tiền hay hiện vật mà người dân buộc phải nộp cho nhà nước theo quy định của pháp luật. Các nhà nước thường quy định và thu các loại thuế dưới các hình thức bắt buộc với số lượng và thời hạn ấn định trước. Chỉ nhà nước mới có quyền quy định và thực hiện việc thu thuế vì nhà nước là tổ chức duy nhất có tư cách đại diện chính thức cho toàn xã hội.

+ Xuất hiện nhà nước là xuất hiện một lớp người không trực tiếp lao động sản xuất mà họ chuyên làm nghề quản lý nên nhà nước phải quy định và thu các loại thuế nhằm nuôi bộ máy nhà nước, dùng tài chính của mình để xây dựng các công trình công cộng, tiến hành các hoạt động chung của toàn xã hội.

+ Nhà nước phát hành tiền làm phương tiện trao đổi trong sản xuất, phân phối, tiêu dùng của cải trong đời sống.

+ Nhà nước có tiềm lực vật chất to lớn, không chỉ có thể đáp ứng cho các hoạt động của nó, những hoạt động cơ bản của xã hội mà còn có thể hỗ trợ một phần kinh phí hoạt động cho một số tổ chức khác.

* Biểu hiện của một đặc trưng ở Việt Nam:

- Đặc trưng: Nhà nước quản lý dân cư theo lãnh thổ.

- Biểu hiện:

+ Ở Việt Nam, các ĐVHC được chia thành 3 cấp.

+ Trước tiên, lãnh thổ Việt Nam được chia thành 63 ĐVHC cấp tỉnh, bao gồm các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

+ Tiếp đó, ĐVHC cấp tỉnh được chia thành các ĐVHC cấp huyện, bao gồm huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

+ Sau cùng, các ĐVHC cấp huyện được chia thành các ĐVHC cấp xã, bao gồm xã, phường, thị trấn.

+ Bằng cách chia lãnh thổ thành các ĐVHC từ cao xuống thấp, từ trung ương đến địa phương, mỗi ĐVHC lại tương ứng với một số lượng dân cư sinh sống nhất định, nhà nước dễ dàng quản lý dân cư trên lãnh thổ của mình thông qua bộ máy nhà nước CHXHCNVN.


Xem thêm: 80 CÂU VẤN ĐÁP LÝ LUẬN CHUNG VỀ NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT HLU (download file bộ câu hỏi vấn đáp ở bài này)

Nếu bạn thấy những chia sẻ của mình hữu ích thì có thể donate ủng hộ mình 01 ly trà sữa nha:

You Might Also Like

0 nhận xét